top of page

Cha mẹ làm gì khi các con xung đột?

Bất kỳ cha mẹ có nhiều hơn một đứa con đều biết rằng, ngay cả khi anh chị em thân thiết với nhau, cũng có thể gặp tình trạng các con xung đột. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, các con sống chung dưới một mái nhà và dành nhiều thời gian rảnh rỗi cùng nhau. Tất nhiên, sẽ có lúc các con xung đột để giành sự chú ý và các nguồn lực có hạn. Ai mà lại không cảm thấy khó chịu trong tình huống đó, phải không, các cha mẹ? Nhưng cha mẹ nên làm gì khi mọi thứ leo thang và dường như bọn trẻ cứ cãi nhau liên tục? Điều này có thể khiến ngôi nhà trở thành một chiến trường, và bạn sẽ cảm thấy giống như những nhà đàm phán hòa bình hơn là cha mẹ.

hai chị em giận dỗi nhau

Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể giúp duy trì sự hòa bình trong gia đình.

1. Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ khi các con xung đột

Cha mẹ thường xuyên phải làm "trọng tài" khi các con xung đột, cứ thế can thiệp hết lần này đến lần khác. Nhưng để thực sự chấm dứt tình trạng này, cha mẹ nên lùi lại một bước và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của các cuộc tranh cãi để có thể giải quyết triệt để. Ví dụ, nếu bạn thấy các con luôn tranh giành đồ chơi, hãy thử quan sát xem có quy luật nào không. Tình huống này thường xảy ra vào lúc nào?

Mô thức hành vi là một chuỗi các hành động hoặc phản ứng lặp đi lặp lại trong các tình huống tương tự, thể hiện một quy luật hoặc xu hướng nhất định trong cách một cá nhân hành xử. Theo Tiến sĩ Lee, nhiều khi các con xung đột vì một món đồ chơi nào đó sau một khoảng thời gian chơi vui vẻ với nhau. "Thực chất, thứ mà các con đang tranh giành không phải là món đồ chơi, mà là sự chú ý của cha mẹ sau khi các con đã cùng nhau san sẻ món đồ chơi đó sau một thời gian dài," Tiến sĩ Lee giải thích. "Trẻ con không hẳn muốn có món đồ chơi đó, mà là con đã nhận ra một mô thức hành vi rằng, khi con la hét, đánh đá, hoặc tranh giành, thì sẽ có sự xuất hiện ngay lập tức của người lớn để can thiệp, hòa giải".

Tiến sĩ tâm lý Stephanie Lee tại Child Mind Institute đã chỉ ra mặt tích cực của những cuộc tranh cãi nảy lửa. Tuy có thể gây căng thẳng, nhưng “việc có anh chị sẽ mang đến cho trẻ cơ hội thực hành những kỹ năng xã hội cần thiết trong cuộc sống thực. Nếu cha mẹ coi đây là cơ hội để dạy dỗ, thì điều này có thể rất tích cực,” Tiến sĩ Lee chia sẻ. Việc học cách giải quyết xung đột với anh chị em một cách lành mạnh có thể dạy trẻ về các kỹ năng như chia sẻ, tôn trọng quyền riêng tư, khi nào cần nhờ đến người lớn, và cách sử dụng lời nói thay vì vũ lực để giải quyết vấn đề.

2. Khen ngợi hành vi tích cực

Xây dựng nền tảng tích cực có thể giúp giảm bớt những hành vi tiêu cực của các con. Cha mẹ có thể làm điều này bằng cách tập trung vào việc ghi nhận những lúc các con hợp tác, hòa thuận. “Hãy dừng lại và khen ngợi các con ngay khi các con chơi với nhau vui vẻ,” Tiến sĩ Lee khuyên. “Hãy chủ động khen ngợi khi bạn thấy các con chia sẻ đồ chơi, hoặc nói ‘Mẹ/bố rất thích cách các con chơi chung với nhau.’” Việc để trẻ cảm nhận được sự chú ý tích cực này có thể giúp giảm bớt nhu cầu tìm kiếm sự chú ý tiêu cực ở trẻ sau này.

Hãy quan sát và ghi nhận những khoảnh khắc các con chơi đùa vui vẻ nhiều hơn ba đến năm lần so với những lần bắt gặp các con cãi nhau, Tiến sĩ Lee nhấn mạnh. "Chúng ta cần khuyến khích những hành vi tích cực đó để thực sự thay đổi cách cư xử của các con." Tuy nhiên, để đồng hành xuyên suốt quá trình trưởng thành của con, cha mẹ có thể dần dần chuyển từ hành động khen ngợi sang ghi nhận sự tiến bộ của con.

Người ba khen con gái

Thay vào đó, hãy ghi nhận rõ hành động được khen và sự tiến bộ của con. Ví dụ như “Wow, lần trước con bơi được 10 vòng, lần này được 11 vòng, vậy là tốt, có sự tiến bộ đó! Mẹ/bố thấy con đã kiên nhẫn và tập trung hơn rất nhiều, thật tuyệt vời!”. Như vậy, con sẽ cảm nhận và hiểu rõ rằng, điều tốt ở đây chính là sự tiến bộ của con lần này tốt hơn lần trước, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

Bạn cũng có thể tạo ra bầu không khí hòa thuận bằng cách khuyến khích các con ghi nhận hành vi tích cực của nhau, thay vì chỉ báo cáo hành vi xấu. Ví dụ, hãy khuyến khích con báo cho bạn biết mỗi khi anh chị em của con biết chia sẻ đồ chơi hoặc thể hiện sự tử tế, và khi này hãy ghi nhận và nhấn mạnh hành động của con lẫn anh chị em của con.

3. Chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước

Dĩ nhiên, dù có áp dụng bao nhiêu ghi nhận tích cực đi nữa, các con xung đột. Một điều mà cha mẹ có thể làm trước là hướng dẫn các con, thường là anh chị lớn, cách phản ứng hiệu quả thay vì làm cho xung đột leo thang. Ví dụ, bạn có thể nói với con rằng nếu em đánh hoặc giành đồ chơi, con nên bình tĩnh báo với bạn thay vì trả đũa. Hoặc nếu em nhỏ thường xuyên phá đồ chơi của anh chị, cha mẹ có thể hướng dẫn anh chị lớn vào phòng riêng để chơi, hoặc tạo ra những thứ để em có thể phá mà không gây mâu thuẫn.

Ngoài ra, cha mẹ cần làm rõ với con sự khác biệt giữa việc chạy đến báo với cha mẹ mỗi khi có bất đồng nhỏ và việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi có vấn đề nghiêm trọng. Và tất nhiên, nếu cuộc tranh cãi trở nên bạo lực, con cần báo ngay cho người lớn.

Nếu có một nguyên nhân gây xung đột liên tục, việc lên kế hoạch từ trước có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Tiến sĩ Lee đã làm việc với cặp trẻ tranh giành về việc ai sẽ ngồi ghế trước trên xe. Họ đã đưa ra một kế hoạch mà cả hai bạn nhỏ đều đồng ý: một bạn ngồi ghế trước vào ngày chẵn, bạn còn lại vào ngày lẻ, và mọi việc đã được giải quyết. Họ có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, và từ đó có một giải pháp rõ ràng để chấm dứt mâu thuẫn.

hai anh em đang cãi nhau

Dù đã áp dụng các cách trên, vẫn có lúc các con các con không nhường nhịn nhau đồ chơi và bạn cảm thấy cần phải can thiệp bằng cách lấy món đồ đi. Tiến sĩ Lee cho biết, việc lấy đồ chơi đi là hoàn toàn hợp lý, nhưng bạn nên trả lại món đồ đó trong vài phút và để các con có cơ hội thực hành việc san sẻ món đồ chơi đó. Nếu không, các con sẽ không học được cách hòa thuận khi chơi cùng nhau. Bạn có thể yêu cầu các con thay phiên sử dụng đồ chơi bằng cách dùng hẹn giờ và khen ngợi chúng khi chúng làm tốt. Việc đặt hẹn giờ để luân phiên sử dụng một món đồ yêu thích là một chiến thuật hữu ích. Điều quan trọng là cha mẹ cần làm rõ về những món đồ nào cần chia sẻ và những món nào có thể giữ riêng. Cha mẹ có thể đưa cho các con mỗi người ba miếng dán sticker để đánh dấu ba vật dụng đặc biệt con không muốn chia sẻ, và các con có thể thay đổi ba lựa chọn này khi sở thích và tâm trạng thay đổi.

Điều quan trọng là phải rõ ràng và nhất quán, đồng thời thiết lập những kết quả có thể dự đoán được, trong khi vẫn khen ngợi các con bất cứ khi nào chúng làm tốt. “Càng chủ động bao nhiêu, bạn sẽ càng dễ thành công bấy nhiêu,” Tiến sĩ Lee khuyên.

4. Đừng quá chú trọng vào tính công bằng

“Cha mẹ thật không công bằng!” là câu mà trẻ em thường xuyên than phiền ở mọi lứa tuổi, và cha mẹ dễ bị cuốn vào việc đảm bảo rằng mọi thứ giữa các anh chị em đều phải công bằng. Tuy nhiên, như Tiến sĩ Lee chỉ ra, cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, và sẽ là không thực tế khi mong rằng mọi thứ trong gia đình phải luôn hoàn toàn công bằng. Ví dụ, đứa trẻ lớn hơn có thể được phép ngủ muộn hơn, và dù đứa trẻ nhỏ cảm thấy điều này là bất công, “điều này phụ thuộc vào văn hóa gia đình bạn và những gì bạn cảm thấy thoải mái,” Tiến sĩ Lee cho biết.

Nhưng nhìn chung, Tiến sĩ Lee cho biết, “Tôi thấy trẻ em thường nói ‘không công bằng’ không phải vì chúng thực sự quan tâm đến sự công bằng, mà bởi vì đó là cách để các con thu hút sự chú ý của cha mẹ.”

hai chị em đang vui chơi tại khu trò chơi

Các nội dung liên quan:

5. Khi trẻ có những nhu cầu đặc biệt

Còn khi các con không nhường nhịn nhau, gặp khó khăn về mặt cảm xúc hoặc gặp các thách thức trong quá trình phát triển, và cần được chú ý và hỗ trợ nhiều hơn thì sao? Tiến sĩ Lee cho biết, cha mẹ nên tiếp cận tình huống này theo cách tương tự: chuẩn bị kỹ lưỡng, lập kế hoạch và thường xuyên khen ngợi tích cực.

Việc trò chuyện cởi mở về những vấn đề mà các con xung đột có thể gặp phải là rất quan trọng, đồng thời lắng nghe cẩn thận những lo lắng và cảm xúc của các con. Khi các con hiểu hành vi khó khăn hoặc gây rối của anh chị em không phải do cố ý thì con sẽ ít cảm thấy khó chịu hơn, và ít có ý định trả đũa anh chị em mình hơn.

Việc cha mẹ và con đưa ra nhiều sự hỗ trợ và động viên cũng có thể giúp các anh chị em của con không có động cơ hành động chỉ để thu hút sự chú ý. Đồng thời, việc cha mẹ dành thời gian một-một với từng đứa trẻ mỗi khi có thể, dù chỉ là một bữa sáng hàng tháng hoặc một ván chơi ca rô ngắn, cũng có thể giúp tất cả các con cảm thấy quan trọng và được yêu thương.

link ebook

Nguồn: Childmind

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page